Đầu tiên chúng ta cần hiểu về phơi sáng. Phơi sáng chính là thước đo để đánh giá một bức ảnh có bị thừa hay thiếu sáng hay không. Và trong những hoàn cảnh khác nhau, lượng ánh sáng được cung cấp cũng khác nhau, vì vậy đôi khi máy ảnh cũng không tính toán chính xác và đưa ra được độ phơi sáng phù hợp. Trong trường hợp này, để có được độ sáng cần thiết cho bức ảnh, bạn cần điều chỉnh các thông số bằng tay để bù sáng.
Tam giác phơi sáng là khái niệm để chỉ sự kết hợp của ba yếu tố liên quan mật thiết đến độ phơi sáng của một bức ảnh bao gồm độ nhạy sáng (ISO), tốc độ màn trập (Shutter Speed) và khẩu độ (Aperture). Khi một trong ba yếu tố này thay đổi sẽ làm thay đổi độ phơi sáng trong bức ảnh của bạn.
Tốc độ màn trập (Shutter Speed)
Mỗi máy ảnh đều có màn trập riêng. Khi bắt đầu bấm chụp, màn trập sẽ mở ra giúp đưa lượng ánh sáng nhất định vào ống kính và thu lại hình ảnh trên cảm biến. Tốc độ màn trập chính là khoảng thời gian cửa trập mở để ánh sáng đi qua. Nếu cửa trập mở càng lâu, lượng ánh sáng đi qua càng nhiều và hình ảnh thu được sẽ càng sáng.
Để chụp những cảnh chuyển động nhanh như chụp thể thao, động vật hoang dã, bạn cần điều chỉnh tốc độ màn trập nhanh hơn, khi đó chuyển động sẽ được đóng băng và và bạn sẽ thu được những bức ảnh sắc nét nhất. Ngược lại với tốc độ màn trập chậm, bạn có thể tạo ra nhiều hiệu ứng khác nhau nhờ vật thể chuyển động bị mờ nhòe.
Khẩu độ (Aperture)
Tương tự như màn trập, khẩu độ cũng là một bộ phận cho phép ánh sáng đi vào ống kính và máy ảnh nhiều hay ít. F là thông số để đo lượng ánh sáng này. Nếu f càng lớn, độ mở khẩu càng nhỏ, lượng ánh sáng đi vào ống kính sẽ càng ít. Còn khi f càng nhỏ, độ mở khẩu sẽ càng lớn, ánh sáng đi qua ống kính sẽ nhiều hơn, cho ảnh sáng rõ hơn.
Ngoài ảnh hưởng đến độ sáng tối của bức ảnh, khẩu độ còn tác động đến phạm vi vùng lấy nét (Độ sâu trường ảnh). Khẩu độ mở càng lớn (f càng nhỏ), vùng lấy nét sẽ càng nhỏ, bạn sẽ dễ dàng tạo ra những bức hình xóa phông ấn tượng. Ngược lại, khẩu độ mở nhỏ (f càng lớn), bạn sẽ có những bức hình phong cảnh rõ nét với độ sâu trường ảnh sâu.
Độ nhạy sáng (ISO)
Khác với cả khẩu độ và tốc độ màn trập, ISO có chức năng khuếch đại lượng ánh sáng đi vào máy ảnh do khẩu độ và tốc độ màn trập đem lại. Độ nhạy sáng càng cao sẽ cho bức hình càng sáng, tuy nhiên đi kèm với đó là hiện tượng noise ảnh, làm giảm chất lượng khung hình.
Chế độ đo sáng (Metering Modes)
Chế độ đo sáng sẽ cho máy ảnh của bạn biết cách mà bạn muốn camera nhìn vào một cảnh cụ thể. Theo đó, khi thực hiện đo sáng tại các điểm khác nhau trong cùng một bức ảnh, cùng một chế độ, bạn sẽ có độ phơi sáng hoàn toàn khác nhau.
Histogram
Histogram cho phép bạn xem lại các công thức phơi sáng sau khi hình ảnh đã được chụp lại. Nó sẽ chỉ ra cho bạn làm cách nào để phơi sáng một bức ảnh. Những người mới bắt đầu tham gia chụp ảnh thường cảm thấy khó khăn để có thể hiểu được chúng. Nhưng biểu đồ này không đến nỗi quá khó như bạn nghĩ.
Màn hình LCD không quá tốt để có thể cho bạn xem được các thông tin qua màn hình hiển thị về hình ảnh. Điều này có nguyên nhân bởi vì chúng bị ảnh hưởng bởi điều kiện ánh sáng từ môi trường ngoài và độ sáng của màn hình của chúng. Đó là lý do tại sao biểu đồ Histogram là một công cụ cực mạnh để sử dụng khi bắt đầu chụp ảnh một cách chính xác.
Các chế độ chụp ảnh (Shooting Modes)
Lựa chọn chế độ chụp ảnh sẽ ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh ba thông số về ánh sáng, đó là khẩu độ, tốc độ màn trập và ISO. Đối với người mới, điều này rất quan trọng vì nếu bạn chưa hiểu rõ cách vận hành của máy thì ảnh chụp ra cũng sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.